“Trong quá trình tư vấn pháp luật cho tổ chức, cá nhân, các luật sư tư vấn cho khách hàng về việc khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, việc khởi kiện rất khó khăn và kéo dài.

Khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, nếu người dân và tổ chức là bên thắng kiện, thì các cơ quan hành chính phải tự nguyện thực hiện bản án đó, phải bãi bỏ các quyết định hành chính và hành vi hành chính trái pháp luật, tuy nhiên, nếu các cơ quan hành chính không tự nguyện thực hiện, hiện nay, trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam, chưa có cơ chế để bắt buộc thực hiện. Hiện nay, Việt Nam mới có hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án hành chính chưa có, vì vậy, đây là một rào cản pháp lý cho người dân theo dõi công tác thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước”

Trên đây là phát biểu của luật sư Nguyễn Thanh Hà tại Hội thảo góp ý báo cáo nghiên cứu về vai trò của tổ chức xã hội và cá nhân trong theo dõi thi hành pháp luật được tổ chức vào ngày 10 tháng 05 năm 2013 bởi Bộ Tư Pháp trong khuôn khổ dự án 58492 “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” của Liên Hợp Quốc.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, đại diện S&B Law chụp ảnh cùng các đại biểu

Cũng trong hội thảo này, các đại biểu cũng nghe các báo cáo từ ông Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư Pháp, trình bày dự thảo báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia trong nước. Sau đó, ông Mark Sidel, trình bày dự thảo báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia nước ngoài. Sau đó, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đóng góp cho các báo cáo này.