Việt Nam hiện tại có rất nhiều các đặc sản địa phương, mỗi đặc sản đem lại cho các địa phương đó niềm tự hào và cũng đem lại cho người dânnơi đó các lợi ích về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, để các đặc sản địa phương này đem lại lợi ích cho người dân thì cần phải tiến hành thủ tục đăng ký thương hiệu cho đặc sản đó và cùng với đó là có chiến lược thương mại hóa các sản phẩm này.
Trong bài viết này, S&B Law đề cập tới việc xây dựng và đăng ký thương hiệu cho các đặc sản địa phương này.
Khác với việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, việc đăng ký tên địa danh cho các sản vật địa phương chịu một cơ chế điều chỉnh hoàn toàn khác.
Người dân và chính quyền địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, có thể lựa chọn một trong các loại hình đăng ký sau:
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Chỉ dẫn địa lý: Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý tại từng quốc gia sẽ phụ thuộc vào quy định của quốc gia đấy về chỉ dẫn địa lý. Chẳng hạn nếu đăng ký tại EU sẽ có ba loại hình bảo hộ chính cho chỉ dẫn địa lý là Bảo hộ xuất xứ hàng hóa – Protected Designation of Origin (PDO), Bảo hộ chỉ dẫn địa lý – Protected Geographical Indication (PGI) và Chứng nhận đặc sản truyền thống – Traditional Speciality Guaranteed (TSG), hiện nay nước mắm Phú Quốc đang được bảo hộ theo loại hình PDO tại EU.