Nghị định này quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

CHÍNH PHỦ
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 45/2015/NĐ-CP Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động đo đạc và bản đồ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Đo đạc và bản đồ là lĩnh vực hoạt động khoa học kỹ thuật sử dụng các thiết bị, phương pháp để thu nhận, xử lý thông tin nhằm xác định các đặc trưng hình học và thông tin thuộc tính của các đối tượng địa lý ở mặt đất, lòng đất, mặt nước, lòng nước, đáy nước, khoảng không ở dạng tĩnh hoặc biến động theo thời gian và biểu thị bề mặt trái đất dưới dạng mô hình thu nhỏ bằng hệ thống ký hiệu theo các quy tắc toán học nhất định.
  2. Hệ quy chiếu là hệ thống tọa độ toán học trong không gian và trên mặt phẳng để biểu thị lên đó các kết quả đo đạc và bản đồ. Hệ quy chiếu quốc gia là hệ quy chiếu được lựa chọn để sử dụng thống nhất trong cả nước.
  3. Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia là hệ thống các tọa độ gốc trắc địa, tọa độ gốc thiên văn, tọa độ gốc vệ tinh, giá trị gốc trọng lực tuyệt đối, giá trị gốc độ cao, giá trị gốc độ sâu. Hệ thống này được xác định thống nhất cho cả nước, mỗi số liệu gốc đo đạc quốc gia được gắn với một điểm có dấu mốc cố định, tồn tại lâu dài trên mặt đất được gọi là điểm gốc đo đạc quốc gia.
  4. Hệ thống điểm đo đạc cơ sở là toàn bộ các điểm có dấu mốc cố định trên mặt đất nhằm xác định giá trị của đại lượng thuộc các thể loại: Tọa độ, độ cao, độ sâu, trọng lực, thiên văn, vệ tinh tại các điểm đó để làm gốc đo đạc cho từng khu vực. Hệ thống điểm đo đạc cơ sở quốc gia là hệ thống điểm đo đạc cơ sở được thành lập theo tiêu chuẩn quốc gia thống nhất, phục vụ nhu cầu sử dụng chung cho tất cả các ngành và các địa phương, bao gồm: Lưới tọa độ quốc gia, lưới độ cao quốc gia, hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia và hệ thống trọng lực quốc gia. Hệ thống điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng là hệ thống điểm đo đạc cơ sở được thành lập phục vụ nhu cầu riêng của từng ngành hoặc từng địa phương.
  5. Hệ thống không ảnh là tập hợp dữ liệu ảnh chụp, dữ liệu quét laser địa hình bề mặt trái đất từ các thiết bị đặt trên máy bay (ảnh máy bay) và trên vệ tinh hoặc tàu vũ trụ (ảnh vệ tinh), bao gồm: Hệ thống không ảnh cơ bản và hệ thống không ảnh chuyên dụng.
  6. Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia là hệ thống bản đồ địa hình được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia thống nhất, phủ trùm cả nước hoặc vùng lãnh thổ trên cả đất liền, hải đảo và đáy biển ở các tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000.
  7. Dữ liệu không gian địa lý là tập hợp có tổ chức thông tin về vị trí không gian và thuộc tính của các đối tượng địa lý.
  8. Cơ sở dữ liệu địa lý là tập hợp có cấu trúc các dữ liệu địa lý. Cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia là cơ sở dữ liệu địa lý được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia thống nhất ở các tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000.
  9. Cập nhật cơ sở dữ liệu địa lý là hoạt động bổ sung, chỉnh lý những biến động của dữ liệu địa lý theo đối tượng thực thể cho phù hợp với thời điểm hiện tại.
  10. Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là một hệ thống bao gồm dữ liệu không gian địa lý, chính sách, tiêu chuẩn, nguồn nhân lực và các công cụ cần thiết để kết nối, chia sẻ và sử dụng dữ liệu không gian địa lý một cách hiệu quả và linh hoạt.
  11. Hiện chỉnh bản đồ là việc làm mới lại nội dung bản đồ cho phù hợp với thời điểm hiện tại.
  12. Công trình xây dựng đo đạc bao gồm:
  13. a) Các trạm quan trắc cố định về thiên văn, trắc địa, vệ tinh, trọng lực, địa động lực, độ cao, độ sâu, gọi chung là trạm quan trắc cố định;
  14. b) Các điểm gốc đo đạc quốc gia;
  15. c) Các cơ sở kiểm định tham số của thiết bị đo đạc, gọi chung là các cơ sở kiểm định thiết bị đo đạc;
  16. d) Dấu mốc của các điểm thuộc hệ thống điểm đo đạc cơ sở, gọi chung là dấu mốc đo đạc.
  17. Sản phẩm đo đạc và bản đồ là kết quả của các hoạt động đo đạc và bản đồ.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ

  1. Hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm cung cấp dữ liệu địa lý phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao dân trí và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
  2. Công trình xây dựng đo đạc là tài sản của Nhà nước, phải được sử dụng và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
  3. Các sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản phải được cập nhật thường xuyên và kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
  4. Việc thành lập các sản phẩm bản đồ chuyên ngành, cơ sở dữ liệu địa lý chuyên ngành phải sử dụng các lớp thông tin nền của bản đồ địa hình quốc gia, cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia.
  5. Tổ chức, cá nhân được sử dụng các sản phẩm đo đạc và bản đồ và thực hiện hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật.

Để xem văn bản đầy đủ, vui lòng tải Nghị định số 45/2015/NĐ-CP tại đây